Tự kỷ thương yêu
Welcome
Xin chào bạn đọc,
Mình tên là Huyền. Hiện nay mình đang theo học Tiến sĩ ngành Tâm lý học thần kinh tại trường Đại học Cambridge.
Sau khi hai con của mình được chẩn đoán Tự kỷ vào tháng 5/2021, mình tìm đọc rất nhiều tài liệu tham khảo về Hội chứng này. Mong muốn của mình cũng như bao phụ huynh khác, đó là hỗ trợ con sớm nhất và tốt nhất có thể. Nhưng dù có thế nào đi nữa, điều quan trọng mà mình luôn hướng tới, chính là sự hạnh phúc và hồn nhiên của con.
Tự Kỷ Thương Yêu là trang web tổng hợp những thông tin có cơ sở dựa trên nghiên cứu của các bác sĩ nhi và bác sĩ tâm lý. Mình mong rằng Tự Kỷ Thương Yêu có thể giúp ích cho các gia đình, nhà trường và trẻ tự kỷ ở Việt Nam.
Chúc cho những đứa trẻ của chúng ta thật hạnh phúc. Chúc cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo luôn đong đầy sự bao dung và tình yêu trẻ.
Thân ái,
Phạm Ngọc Huyền
Lưu ý về thuật ngữ:
Trong các bài viết tác giả sẽ dùng thuật ngữ “Hội chứng Tự kỷ” thay vì “Rối loạn Tự kỷ" vì ngôn ngữ giúp chúng ta có cách nhìn khách quan và cảm thông hơn với Trẻ Tự kỷ. Sự cảm thông từ đó cũng sẽ trút bỏ những định kiến của xã hội đối với trẻ.
Để phân biệt trẻ Tự kỷ và trẻ phát triển tâm lý học thần kinh được coi là 'bình thường', tác giả sẽ sẽ dùng thuật ngữ "Trẻ Tự kỷ" & “Trẻ phát triển điển hình", đại diện cho đa số. Điều mà tác giả hướng tới là chúng ta sẽ không đặt ra những tiêu chuẩn của sự "bình thường" để hiểu về trẻ Tự kỷ, mà thay vào đó là đón nhận sự đa dạng vốn có của tự nhiên.